" "

Sunday, June 21, 2020

CẢM ƠN CUỘC ĐỜI

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không thực sự hiểu ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Bạn hãy xem :
- Nếu sáng mai tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.
- Nếu bạn còn cảm nhận được vẻ đẹp của một ngày nắng mới, thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng triệu người khác không may mắn được nhìn những vẻ đẹp giản dị của đời thường.
- Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã hạnh phúc hơn 500 triệu người trên trái đất.
- Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu xài, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.
- Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những người giàu nhất thế giới.
- Nếu Bố Mẹ bạn vẫn còn sống, và sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người hạnh phúc nhất trên thế giới.
- Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời, thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi trên thế giới có rất nhiều người muốn lạc quan như bạn mà không được.
- Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được chia sẻ cùng họ những tâm sự của mình, thì bạn đã là người hạnh phúc hơn nhiều người khác không bao giờ nhận được tình yêu thương từ người khác.
- Nếu bạn vẫn còn nhận được những lời chúc phúc từ những người xung quanh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người cô đơn, không người thân thuộc, bạn bè.
- Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, thì bạn đã hạnh phúc hơn 2 tỷ người không thể đọc được trên thế giới.
🌺 Sau khi bạn đọc xong những dòng chữ này, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười :" Hóa ra, mình cũng là một người giàu có và hạnh phúc".
Cre: Trái tim thiêng liêng

SỨC KHOẺ VÀ HẠNH PHÚC !


Chúng ta sinh ra để làm việc và hạnh phúc chứ không phải làm việc và chết đi như chưa từng tồn tại .
Thành tựu công việc tỷ lệ nghịch với tình trạng sức khỏe - đó là bi kịch của nhiều người trẻ hiện đại”, CEO trẻ từng suýt chết vì làm việc quá sức khẳng định.
Một chàng trai Việt Nam làm nghề dựng phim đột ngột qua đời ở tuổi 31 vì làm việc liên tục 40 tiếng.
Kỹ sư 36 tuổi người Trung Quốc mất vì đột quỵ sau 22 tháng làm việc không ngơi nghỉ ở nước ngoài để dành tiền chăm lo mẹ già và vợ con.
Nữ phóng viên đài NHK Nhật Bản ra đi ở tuổi 31 vì đau tim sau khi đăng ký làm thêm 159 giờ trong một tháng.
Những cái chết ập đến với người trẻ vì làm việc quá sức không hiếm gặp trong thời đại mà lối sống bận rộn và làm việc chăm chỉ đã trở thành biểu tượng của trạng thái khao khát thành công, đặc biệt ở các nước châu Á, theo nghiên cứu năm 2017 của giáo sư Harvard Anat Keinan.
Trong một báo cáo năm 2016, các nhà khoa học Anh khẳng định: "Những người làm việc trong tình trạng căng thẳng cao, ít kiểm soát công việc sẽ chết sớm hoặc có sức khỏe kém hơn những người có sự linh hoạt và thận trọng hơn trong công việc".
Lối sống bận rộn và làm việc chăm chỉ đã trở thành biểu tượng của trạng thái khao khát thành công, đặc biệt ở các nước châu Á.
"Tôi có tất cả nhưng thiếu một cuộc sống giống người bình thường"
Là một người từng cắm đầu làm việc và đùa giỡn với sức khỏe, Jason Nguyễn - CEO trẻ hiện sở hữu 2 công ty tại TP.HCM - hiểu rõ cái giá mỗi người có thể phải trả để đạt thành tựu trong công việc.
Từ trải nghiệm suýt chết vì "con quỷ mang tên công việc quá sức", chàng trai có bài chia sẻ "Làm việc để có tiền, nhưng tiền nhiều rồi ngã quỵ để làm gì?" gây chú ý trên mạng xã hội những ngày qua.
Jason Nguyễn từng làm cho một công ty đa quốc gia khi mới trở về Việt Nam. Với khối lượng công việc lớn ở phòng marketing, một ngày làm việc của Jason luôn bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào 0h hôm sau.
Công ty trở thành nhà khi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí đều diễn ra trong văn phòng. Thậm chí, có những thời điểm chạy dự án, cả tuần liền chàng trai không biết ánh sáng mặt trời hay hoàng hôn trông như thế nào.
Với Jason, vị trí tốt, lương cao, công ty lớn... là những cái bẫy ngọt ngào khiến anh quên đi sự xáo trộn về mọi mặt như sức khỏe giảm sút, mối quan hệ với bạn bè, người thân dần xấu đi, tính cách cộc cằn, khó đoán hơn xưa.
"Tụi mình có tất cả: tiền bạc, địa vị, sự trọng vọng nhưng lại thiếu một cuộc sống giống người bình thường. Bạn có nhớ hình ảnh của mấy con zombie thều thào, lê lết không có chút sức sống nào không? Đó chính là phòng mình lúc đó. Tay vẫn gõ, miệng vẫn lẩm bẩm nhưng sinh lực là con số 0, chẳng ai nói cười với ai. Vì toàn bộ thời gian đã dành cho công việc nên cuộc sống cá nhân của tụi mình là một mớ hỗn độn", CEO trẻ nhớ lại.
CEO Jason Nguyễn gây chú ý với bài viết khuyên người trẻ quan tâm đến sức khoẻ và lắng nghe bản thân thay vì vùi đầu vào công việc đến kiệt sức. Ảnh: NVCC.
Không riêng Jason Nguyễn, các đồng nghiệp nữ đã lập gia đình không ly hôn cũng ly thân vì chồng con họ không chịu được cảnh hàng tháng trời không được gặp vợ, gặp mẹ. Các chàng trai độc thân "mất luôn khả năng hẹn hò vì ngoài số má, giấy tờ, hợp đồng thì có biết gì đâu? Quăng ra đường là lơ ngơ như trẻ con 4-5 tuổi", anh mô tả.
Jason quyết định thoát khỏi guồng quay này trước khi quá muộn.
Nhưng sau đó, trong những ngày đầu thành lập công ty riêng, chàng trai lại vắt kiệt sức lực vì lao vào kinh doanh, đến mức hy sinh cả giấc ngủ.
Hậu quả xảy đến với Jason là stress, mất ngủ, rụng tóc và đỉnh điểm là lần về quê thăm mẹ, anh bị “xuất huyết sấm sét" - máu chảy từ miệng nhiều đến mức ngạt thở và không cách nào cầm được. Khi đi khám, bệnh viện kết luận chàng trai bị nám toàn bộ một bên phổi và có triệu chứng của bệnh lao.
Một tuần nằm ở bệnh viện, sút 10 kg... Jason lần đầu tiên cảm thấy khao khát được làm những việc bình thường như chạy xe đạp, đi bộ, đi ăn hàng, cười nói vui vẻ. "Những ước mơ nhà lầu, xe hơi hay trở nên giàu có, thành công đều không còn quan trọng lúc đó", anh nhớ lại.
Từ một người bị bệnh viện trả về vì không thể cứu chữa, Jason thoát khỏi tay thần chết nhờ gặp được một giáo sư chuyên nghiên cứu bệnh về phổi. Tuy nhiên, bất động sản đóng băng, công ty mới thành lập thua lỗ và nợ hơn 1 tỷ đồng là những cái giá anh phải trả khi đánh cược mạng sống để chạy theo công việc.
"Công việc có tốt đến mấy, có giúp bạn kiếm nhiều tiền nhiều đến bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại những tổn thất về sức khoẻ, tinh thần hay tình cảm và sự gắn bó với những người xung quanh. Giữa cái thời đại mà ai cũng muốn chứng tỏ năng lực, cũng muốn có một thứ gì đó để người khác nhớ đến, mỗi cá nhân lại càng phải hy sinh gấp 2, gấp 3. Thành tựu công việc tỷ lệ nghịch với tình trạng sức khoẻ - đây là bi kịch của nhiều người trẻ hiện đại", CEO trẻ kết luận.
Theo anh, người trẻ thường được khuyên rằng lao động nghiêm túc, cố gắng hết sức vì tuổi trẻ không chờ đợi. Nhưng không ai nói với họ rằng hãy nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, hãy quan tâm đến sức khoẻ và lắng nghe bản thân.
Văn hóa làm việc đến chết ở châu Á
"Tôi muốn chết. Tôi kiệt quệ và cả thể chất lẫn tinh thần. Cơ thể tôi đang run rẩy. Tôi không thể làm được. Tôi sẽ chết. Tôi mệt quá".
Đó là lời chăng chối của Matsuri Takahashi (24 tuổi, người Nhật) trên mạng xã hội trước khi cô tự tử vào Giáng sinh năm 2017 sau vài tháng làm thêm hơn 100 giờ.
Trên thực tế, "karoshi" (thuật ngữ chỉ những cái chết vì làm việc quá sức trong tiếng Nhật) như trường hợp của Matsuri Takahashi không giới hạn trong biên giới Nhật Bản. Đột tử vì làm việc quá sức ở người trẻ là thực trạng đáng báo động ở nhiều quốc gia châu Á.
Theo Xinhua, mỗi năm có khoảng 600.000 người chết vì Guolaosi (thuật ngữ chỉ những cái chết vì làm việc quá sức trong tiếng Trung) ở Trung Quốc.
Văn hóa làm việc ở đất nước tỷ dân coi áp lực là động lực thúc đẩy người lao động. Còn tại những quốc gia như Singapore hay Hàn Quốc, việc học tập và làm việc chăm chỉ trở thành một di sản, câu thần chú để duy trì cuộc sống tốt đẹp.
Không nơi nào tồn tại nhiều thuật ngữ dành cho người chết vì làm việc quá sức như châu Á - Karoshi trong tiếng Nhật, Gwarosa trong tiếng Hàn và Guolaosi trong tiếng Trung. Ảnh: Reuters.
Theo tạp chí Popular Sience, văn hóa làm việc đến lao lực ở nhiều quốc gia gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Trong đó, trái tim là bộ phận dễ bị tổn thương trước những đòi hỏi ở nơi làm việc. Một nghiên cứu đăng trên European Heart Journal năm 2010 cho thấy những nhân viên ở Anh làm việc 10 tiếng trở lên mỗi ngày có nhiều khả năng mắc các vấn đề về tim hơn so với những người cùng tuổi làm việc 7 tiếng/ngày.
Ngay cả khi họ kiểm soát những hành vi như hút thuốc, lo lắng hay mất ngủ, các cơn đau tim và bệnh tim vẫn là nguyên nhân dẫn đến cái chết với nhóm người làm việc quá sức.
Các nhà nghiên cứu ở Anh cũng chỉ ra những người làm việc trong tình trạng căng thẳng cao, ít kiểm soát công việc của họ sẽ chết trẻ hoặc có sức khỏe kém hơn những người có sự linh hoạt và thận trọng hơn trong công việc.
“Công việc là phương tiện để nuôi sống bản thân nhưng cũng có thể giết chết bạn. Bởi vậy, nếu không muốn chết sớm, hãy đứng lên, vươn vai và gửi cho sếp câu chuyện này trong khi nghỉ làm sớm một chút hôm nay”, tác giả Eleanor Cummins nhắn nhủ.
HÃY LÀM VIỆC ĐỂ HẠNH PHÚC !
ĐỪNG LÀM VIỆC ĐỂ CHẾT NHÉ BẠN !!!
“Muôn Việc đúng lúc, đúng nơi
Chúng ta đúng Cách, phát lời diệu linh
Nghiệp Vụ theo đúng Quy Trình
Bổn Phận phải được tự mình gọn xong
Kế Hoạch bất biến, đồng lòng
Trao nhau Kết Quả mới mong Công Thành
Trong ngày cần Báo Cáo nhanh
Văn Bản, Con Số làm căn cứ trình
Nề nếp 5S văn minh
Từng người Đầu Mối giản tinh rõ ràng
Thông tin, Dữ liệu, Cẩm nang
Dựa vào Quy Chế kỹ càng tránh sai
Thiết Yếu đừng hoãn đến mai
Mọi điều trôi chảy, chẳng ai muộn phiền
SỰ NGHIỆP CHUNG ẮT TIẾN LÊN!!!”
- Trích Quản Trị & Lãnh Đạo Tổ Chức: Từ Giá Trị Đến Sức Mạnh (NXB Đà Nẵng, 2020), tác giả Nguyễn Tất Thịnh

THẾ NÀO LÀ MỆT - THẾ NÀO LÀ KHÔNG MỆT?


1. Mỉm cười không mệt, giận hờn mới mệt
2. Yêu thương không mệt, ghen ghét mới mệt
3. Chân thật không mệt, giả dối mới mệt
4. Rộng rãi không mệt, ích kỷ mới mệt
5. Khoan dung không mệt, cố chấp mới mệt
6. Khiêm nhường không mệt, ngạo mạn mới mệt
7. Đơn giản không mệt, phức tạp mới mệt
8. Được mất không mệt, toan tính mới mệt
9. Thân mệt không mệt, tâm mệt mới mệt

Saturday, June 20, 2020

MUỐN THÀNH CÔNG BẠN CHỈ CẦN LÀM NHƯ THẾ NÀY THÔI !

MUỐN THÀNH CÔNG BẠN CHỈ CẦN LÀM NHƯ THẾ NÀY THÔI !
Một thanh niên 25 tuổi, cháy bỏng khát vọng làm giàu đi tìm khắp nơi để tìm ra bí quyết thành công, xây dựng doanh nghiệp vĩ đại nhất. 10 năm sau, dù đã đọc mọi loại sách làm giàu từ những công ty lớn nhất thế giới, anh vẫn chỉ lẹt đẹt điều hành một công ty siêu nhỏ, tầm chục nhân viên. Trong khi vô vọng vào cuộc đời, anh tình cờ nghe tới ở vùng cực Nam xa xôi, có một lão doanh nhân đã gác nghiệp có thể giúp anh.
Sau khi mất nhiều công sức để tìm được nhà của lão doanh nhân, thì anh bị vị quản gia từ chối tiếp. Anh không nản lòng, ngày nào cũng đến, trong vòng 1 tháng liên tiếp. Đến ngày thứ 30, cánh cổng đã mở ra, anh được mời vào trong tư phòng của vị doanh nhân già đáng kính. Sau màn chào hỏi, anh hồ hởi tuôn chào những tâm tư suốt 10 năm lặn lội thương trường mà vẫn thất bại. Anh nhiệt tâm xin một lời khuyên để có được thành công.
Lão doanh nhân, khí chất ung dung, ấm áp bên trong nhưng sắc sảo bên ngoài. Ông nhìn vào mắt anh và hỏi:
- Này anh bạn, anh muốn đi tới đích như một con rùa, hay là lao vụt tới đích như một con thỏ?
Cậu thanh niên đáp ngay không cần suy nghĩ: “Cháu muốn mình như một con thỏ ạ”.
Lão doanh nhân cười: “Ta hiểu, đó chính là lý do cậu thất bại suốt 10 năm nay”.
Cậu thanh niên choáng váng. Sao lại có thể vậy được. Tại sao muốn chạy tới đích nhanh lại có thể sai chứ.
Hiểu rõ cậu đang hoang mang, lão doanh nhân từ tốn giải thích thêm:
“Ta cũng từng như cậu. Hồi trẻ, ai cũng khát vọng cháy bỏng thành công. Điều đó không có gì sai. Cái sai là cách ta muốn tới đích thành công.
Ta tuổi trẻ, tay trắng, năng lực chả có gì, kinh nghiệm không có, chỉ có đống lý thuyết sách vở, mua vài trăm ngàn là được một đống những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, về những doanh nghiệp thành công nhất thế giới. Thế rồi, ta muốn thành công như họ, xây dựng những doanh nghiệp trường tồn, vĩ đại như họ.”
Anh thanh niên nóng ruột: “Rồi sao nữa, khi nào thì ông bắt đầu thành công?”
Lão doanh nhân ôn tồn: “Khi ta bắt đầu đốt hết đống sách đó đi. Ta nhận ra mình chỉ là một con rùa nhỏ bé, chậm chạp. Ta không có khả năng thay đổi thế giới, hay tạo ra những doanh nghiệp vĩ đại, trường tồn. Ta hiểu và chấp nhận chính mình là ai, và gây dựng lại doanh nghiệp chỉ có một mình mình. Mục tiêu của công ty đơn giản chỉ là đủ sống. Vậy là vui rồi. Rồi cứ thế, ta đi từng bước, chậm rãi, vững chắc, đúng với nhịp tự nhiên của mình. Dù có ngày chỉ kiếm được đủ ăn 3 bữa, ta cũng vui lắm rồi. Mục tiêu là đủ sống mà, thì đủ sống là vui rồi. Làm và vui thì rất dễ như vậy đấy.
Rồi với niềm vui đó, ta chầm chậm bước đi. Khi công việc có tiến triển hơn, thì ta tuyển thêm 1 người nữa. Mục tiêu là 2 người đủ sống. Rồi 2 người đủ sống thật, thế là vui. Một năm sau, thì lại tuyển thêm một người nữa với mục tiêu như cũ. Rồi mấy chục năm trôi qua, chẳng ngờ được ta lại có một cơ nghiệp đồ sộ khắp cả nước.”
Ông nhấp thêm ngụm trà rồi hiền từ nói:
“Này anh bạn, dù ước mơ của anh như chim đại bàng, tầm nhìn thật xa, nhưng hành động thì hãy như con rùa, bám sát mặt đất, đi từng bước một thật vững chắc, đi với tốc độ của mình, bởi tốc độ nhanh nhất chính là tốc độ phù hợp nhất. Đừng quan tâm tới những con thỏ. Thỏ sinh ra với dòng máu thỏ, sẽ có tốc độ của thỏ. Nhưng vì chạy nhanh quá, họ thường lạc đường, lại thường chủ quan mải mê hoa thơm cỏ lạ giữa đường, rốt cuộc lại là kẻ đến đích sau.
Tuy rằng rùa không quan tâm tới thỏ, nhưng lại tới đích trước thỏ. Cuộc đời là như vậy đấy. Cứ bền bỉ mà đi, với tốc độ của chính mình, đúng nhịp tự nhiên của mình, tận hưởng từng niềm vui nhỏ nhặt trên con đường, và đừng bao giờ bỏ cuộc. Thành công sẽ đến với anh”.
Anh thanh niên ngập tràn hạnh phúc. Anh đã hiểu được bấy lâu nay mình sai ở đâu, tại sao anh cứ căng người lên làm ngày làm đêm mà vẫn thất bại. Hóa ra, anh luôn cố chạy với tốc độ của người khác, của những con thỏ trong sách làm giàu. Anh dặn lòng sẽ ghi nhớ lời của người thầy này và quyết tâm thực hành cho tới ngày thành công.
Trước khi ra về, anh thanh niên nhớ ra rồi hỏi lại ông già: “Thưa ông, tôi có thể hỏi là một người sẵn sàng chia sẻ như ông, sao lại bắt tôi đợi suốt 1 tháng ròng mới cho vào gặp”.
Ông doanh nhân cười: “Thành công không dành cho những người không đủ kiên trì. Ta không muốn dành thời gian cho những người không kiên trì với chính mình”.

Tuesday, June 9, 2020

[Review] Bộ não của Phật - Hiểu về sự nhạy cảm của não bộ với khổ đau và cách thực hành chánh niệm để loại trừ khổ đau
• Review khá dài nhưng để tóm lược phần nào của 350 trang sách về hai chủ đề không đơn giản, thì mình đã cố gắng hết sức có thể.
• Bìa sách bị gãy do vận chuyển.
1. NÓI VỀ BỘ NÃO CỦA PHẬT NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ BỘ NÃO CỦA PHẬT
Đối với mình, đây là một trong những cuốn sách thú vị nhưng không dễ đọc khi kết hợp giữa những tuệ giác cổ xưa từ thực hành thiền quán, điều khiển tâm mà Phật Thích Ca truyền lại với những khám phá và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh liên quan đến việc não bộ hình thành nên “Tâm” và “Tâm” tạo ra đau khổ như thế nào.
Nhưng bạn cũng không cần phải là một chuyên gia, nhà nghiên cứu hay Phật tử thì mới cần đến những giá trị có ích trong cuốn sách này. Dù nó khó đọc, nhưng với độ dài phù hợp và có nhiều giá trị nên bạn có thể đọc lại nhiều lần để khám phá sẽ sức mạnh của sự bình thản, của thiền có liên quan ra sao trong việc hạn chế khổ đau.
Một điều lưu ý rằng đây không phải là “Bộ não của Phật” theo đúng nghĩa đen hay là những lời truyền đạt của Phật về não bộ từ hàng nghìn năm trước. Bộ não của Phật được nhìn dưới góc độ khoa học tại sao lại có đau khổ, tại sao chúng ta và cần thực hành thiền tập để điều khiển tâm của mình dựa trên khoa học thần kinh.
2. CHÚNG TA ĐƯỢC SINH RA VỚI BỘ NÃO NHẠY CẢM VÀ THÍCH THÚ VỚI KHỔ ĐAU
Mỗi người chúng ta đều sở hữu một bộ não nhạy cảm với hơn 100 tỷ tế bào thần kinh dù chỉ nặng 1.3-1.4kg. Mỗi tế bào lại tiếp nối ít nhất 5000 tế bào khác gọi là các khớp nối thần kinh. Rồi từng tế bào thần kinh một lại truyền tín hiệu 5-50 lần mỗi giây. Cụ thể nếu bạn đọc xong một trang sách thì đã có hàng triệu tỷ tín hiệu được truyền tải trong đầu bạn.
Số lượng kết hợp có thể có của 100 tỷ tế bào thần kinh xấp xỉ 10 mũ 1 triệu - số 1 với 1 triệu số 0 phía sau. Trong khi đó số lượng các nguyên tử trong vũ trụ được ước tính vào năm 2009 là 10 mũ 80.
Theo quan niệm của Phật giáo thì mọi khổ đau bắt nguồn từ sự phân biệt. Bộ não là một công cụ mà ở đó có 100 tỷ tế bào thần kinh. Sự kết hợp giữa các tế bào não tạo ra ảo tưởng về những mối hiểm hoạ, mà số lượng nhiều hơn cả nguyên tử trong vũ trụ này. Khiến cho bạn luôn trong trạng thái cảnh giác các mối nguy rình rập, bất an và khổ đau làm sao để bảo vệ bản thân.
• Tạo ra sự ngăn cách để hình thành các ranh giới giữa bản thân và thế giới. Giữa tâm này và tâm khác, giữa ta và nó. Điều này trái với vô ngã.
• Duy trì sự ổn định để giữ cho các hệ thống thân và tâm được cân bằng. Điều này trái với vô thường.
• Theo đuổi các niềm vui (củ cà rốt) và né tránh tối đa mọi thông tin tiêu cực (cây gậy). Điều này trái với nỗi khổ.
Và một sự thật nữa là bộ não có đặc thù là ghi nhận thông tin tiêu cực nhanh và nhớ lâu hơn sự tích cực. Khi có sự tiêu cực xuất hiện, một bộ phận trong não bộ là hồi hải mã lưu giữ nó cẩn thận để tham chiếu trong tương lai. Vì thế những ấn tượng tiêu cực rất khó phai mờ và những gì tích cực được coi như là điều không đáng lưu tâm.
Sự hoạt động của não bộ như vậy sẽ dẫn tới việc con người sẽ cố gắng tránh né sự tổn thất hơn là đạt được lợi ích có giá trị tương đương. Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho não bộ liên tục phát ra những tín hiệu lẩn quẩn như “Làm thế này có đúng không, nhỡ đâu, sẽ thế nào nếu mình làm khác đi thì sao...” Điều này sẽ dẫn tới đau khổ.
3. BỘ NÃO TẠO RA TAM ĐỘC, MŨI TÊN THỨ HAI NHƯNG CŨNG SẢN SINH RA GIỚI, ĐỊNH, TUỆ
Tam độc - tham sân si trong ý nghĩ (ý). Sẽ tạo thành hành động (thân) và lời nói (khẩu) và ngược lại. Như một vòng tròn luẩn quẩn. Những hành động từ thân và khẩu cải tạo suy nghĩ của bạn.
Bạn suy nghĩ tự ti thì bạn đi đứng nói năng cũng tự ti. Nhưng vẫn có thể cải thiện bằng cách tập, đi, nói dõng dạc. Dần dần sẽ quay ngược lại cải tạo được suy nghĩ. Đây là một vòng tròn không gián đoạn.
Dưới cái nhìn của khoa học thần kinh đồng ý Tam độc là:
• Tham là sự bám chấp lấy những củ cà rốt, tức là những lợi ích và phần thưởng.
• Sân là sự căm ghét và né tránh những cây gậy - khó khăn, nguy hiểm... dẫn tới việc não bộ và tâm sẽ tiêm vào đầu lòng ham muốn hạnh phúc và gặp ít đau khổ hơn.
• Si là bám víu vào sự thiếu hiểu biết về bản chất của các sự vật và hiện tượng như chúng thực sự là.
Một điều mỉa mai là khả năng phi thường của bộ não đã phóng đại sự đau khổ của Tam độc cả bên ngoài cuộc sống lẫn bên trong một con người. Những gì bạn thấy ở “ngoài kia” thực chất được tạo ra “bên trong bạn” nhờ khả năng tạo ra các thực tại ảo đáng kinh ngạc của não bộ.
Nhờ những mô phỏng này mà con người đã gia tăng cơ hội sống sót trong tự nhiên, bằng cách lặp đi lặp lại các sự kiện để tăng cường sự ghi nhớ của tế bào thần kinh. Não bộ từ lúc con người xuất hiện đến thời của Phật Thích Ca và bây giờ đã tăng kích thước gấp 3 lần. Nhờ vậy khả năng não bộ tạo ra các mô phỏng được cải thiện gấp bội. Và đồng nghĩa khi các mô phỏng trở nên tốt hơn, nó cũng tạo ra nhiều đau khổ hơn.
Sự mô phỏng kéo khỏi bạn ra thực tại, cường điệu thực tại bằng những mô phỏng tuyệt vời hay đau khổ mà vốn chẳng có thật. Dù bằng cách nào thì sự nhạy cảm khiến ta trốn chạy thực tế và làm ta tự bắn vào mình những mũi tên của khổ đau.
Hãy hình dung sự khó chịu khi cãi nhau với bạn gái là mũi tên thứ nhất. Nhưng cách bạn phản ứng lại như “Lỗi tại em”, “Chuyện này không phải anh”... sẽ tạo ra “những mũi tên thứ hai”. Hầu hết mọi khổ đau đều đến từ những mũi tên này. Và não bộ chính là kẻ đã tạo ra nó nhờ sự mô phỏng các sự kiện và khuếch đại các thông tin tiêu cực. Nghiêm trọng ở chỗ những mũi tên thứ hai sẽ tạo ra các mũi tên thứ hai khác nhờ cơ chế liên kết của từng tế bào thần kinh qua mạng lưới thần kinh với nhau khiến cho 1 nguyên nhân, 1 lý do thường trở nên nghiêm trọng hơn bản chất của nó.
Chúng ta cũng sẽ thấy ở đây có sự luân hồi và vòng luẩn quẩn khi những phản ứng mũi tên thứ hai của bạn sẽ kích hoạt các phản ứng mũi tên thứ hai của người khác, điều này sẽ lại gia tăng tiếp tục các mũi tên thứ hai của chính bạn và người kia và cứ tiếp tục như vậy thì khổ đau lại càng hiện hữu rõ hơn. Và chính chúng ta đã thêm vào khổ đau trong những mũi tên thứ hai. Thậm chí chúng ta tạo ra nó mà không cần mũi tên thứ nhất. Hậu quả là chúng ta cảm nhận nỗi đau từ những mũi tên thứ hai một cách sâu sắc cả thể xác lẫn tinh thần.
Nhưng cũng chính với tâm và não bộ cũng sản sinh ra Giới, Định, Tuệ tương ứng với đức hạnh, chánh niệm, trí tuệ.
• Đức hạnh liên quan tới việc điều chỉnh các hành động - thân, ngôn từ - khẩu và suy nghĩ - ý của mỗi người để tạo ra nhiều lợi ích hơn là gây hại cho chính bạn và những người khác.
• Chánh niệm liên quan tới việc chú ý, quán sát đối với cả thế giới bên trong và thế giới bên ngoài của mỗi người.
• Trí tuệ giúp bạn hiểu đau khổ là gì, chấm dứt đau khổ như thế nào và khi nhận biết rõ về đau khổ bạn sẽ có cái nhìn, kết nối và sự bình thản trước các sự việc diễn ra như sinh khởi, hoạt diệt và loại bỏ cái tôi, cái ngã của mình.
Đức hạnh, chánh niệm và trí tuệ là những cốt lõi của hạnh phúc, sự phát triển cá nhân và thực hành tâm linh. Chúng cũng thu hút ba chức năng nền tảng của bộ não là điều chỉnh, nhận thức và lựa chọn.
Ba chức năng này vận hành ở tất cả mọi cấp độ của hệ thần kinh, từ từng khớp nối của 1/ 100 tỷ tế bào thần kinh cho tớ sự thống nhất trọn vẹn về sự kiểm soát, năng lực và nhận thức của não bộ. Và điều chỉnh, nhận thức và lựa chọn cũng liên quan tới từng hoạt động tinh tế nhất của tâm.
Vì thế con đường giác ngộ, thức tỉnh theo khoa học liên quan tới cả việc chuyển hoá tâm - não bộ bằng những hành động tích cực nhỏ bé hàng ngày sẽ tích luỹ thành những thay đổi lớn theo thời gian. Để làm được điều này, sự từ bi, yêu thương chính bản thân là cốt lõi cho những thay đổi trong chính bộ não của bạn. Và bắt đầu từ việc từ bỏ cái tôi, bản ngã rồi hướng đến sự bình thản.
4. BẢN NGÃ DƯỚI CÁI NHÌN CỦA KHOA HỌC THẦN KINH, SỰ BẤT THƯỜNG CỦA BÌNH THẢN VÀ THIỀN TẬP DẪN ĐẾN CHÁNH NIỆM
Thực tế bản ngã, cái tôi được tạo ra bởi tâm trí gồm nhận thức về việc xác lập giá trị, chủ thể, áp đặt sự nhận biết về thế giới quan của cá nhân lẫn toàn thể... nói đơn giản như bạn mình cắt nghĩa Bản ngã là “muốn lo mình và luôn muốn hơn người”. Bản ngã lớn lên thông qua sự đồng hoá, chiếm hữu, tự phụ và tách biệt khỏi các sự liên kết với vạn vật.
Bản ngã có nhiều diện mạo được dựa trên vô số mạng lưới thần kinh. Bản ngã chỉ là một phần của mỗi người vì hầu hết suy nghĩ và hành động không cần tới bản ngã. Bản ngã luôn thay đổi và phụ thuộc vào các điều kiện khác nhau như cảm xúc, hoàn cảnh, các mối quan hệ. Bản ngã được hình thành thông qua những cơ hội thể hiện mình hay nhạy cảm trước các mối đe doạ.
Nhưng nghịch lý ở đây là cái ngã của một người càng ít thì người đó sẽ càng cảm thấy hạnh phúc. Con người ta cũng giống như củ hành. Bản ngã là phần thô vỏ ngoài xấu xí và lấm đầy bùn đất thế gian, nhưng càng lột vào trong thì càng lộ ra tâm trắng ngần sạch sẽ. Điều này chỉ có thể thấy khi ta bình thản đối diện với sự thật mà không phản ứng, che đậy hay cố gắng chạy chốn nó.
(Chỉ có thể thấy, khi ta ngồi lại, tự vấn bản thân rằng "Tôi làm điều này là vì ai? Vì tôi hay vì người". Hãy thành thực với chính mình!)
Và trạng thái đó chúng ta gọi là sự bình thản.
Đối với khoa học thần kinh, sự bình thản “không phản ứng lại hành động, sự việc, cảm giác” là hành vi rất không bình thường đối với não bộ. Nhưng chính vì vậy mà sự bình thản đã lược bỏ những căng thẳng mà hệ thống thần kinh thiết lập để báo động ngay cả những phản ứng nhỏ bé nhất của nó.
Với sự bình thản, bạn có thể xử lý các tình huống trong cuộc sống hằng ngày bằng sự điềm tĩnh và lý trí mà vẫn giữ vững niềm hạnh phúc nội tại.
Bản chất của bình thản giúp bạn hiểu về vạn vật đang vận hành nhưng không bị lệ thuộc vào nó. Vì bình thản không phản ứng lại với mọi tác động của cả tâm lẫn vật, nên tạo ra một không gian rộng lớn để cho sự trắc ẩn (Bi), tình yêu thương(Từ), niềm vui vì thấy người khác hạnh phúc (Hỷ) và duy trì trạng thái bình thản trước mọi chuyện có thể xảy ra (Xả) được gọi chung là Tứ vô lượng tâm.
Và để duy trì được sự bình thản lâu dài thì phải gia tăng chánh niệm, tức sự quán sát về mọi thứ bên trong lẫn bên ngoài. Chánh niệm dẫn tới trí tuệ và một trong những cách tốt nhất để gia tăng chánh niềm là thiền tập.
Thiền tập cần sự chú tâm cao độ để đem tới sự yên tĩnh. Nếu không có sự yên tĩnh, sẽ không có sự im lặng. Nếu không có sự im lặng, sẽ không có tuệ giác. Nếu không có tuệ giác sẽ không nảy sinh sự sáng suốt để thấu suốt những nguyên nhân của đau khổ.
Thông qua thiền tập, bạn sẽ kiểm soát được tâm trí của mình và cuối cùng hướng bản thân bạn an trú trong khoảnh khắc hiện tại. Gác lại quá khứ và buông bỏ tương lai. Không đuổi theo một suy nghĩ nào, nhận biết chúng đến và đi trong mỗi hơi thở. Không có gì sở hữu, tìm kiếm hay trở thành. Ngay khoảnh khắc này là bất diệt, ngay phút giây này là tối thượng.
5. MỘT VÀI CÁCH GIA TĂNG CHÁNH NIỆM NGOÀI THIỀN TẬP
• Hành động chậm lại.
• Nói ít nhất có thể.
• Làm đúng một việc tại một thời điểm
• Tập trung vào hơi thở trong khi tham gia các hoạt động thường ngày.
• Cố gắng cảm nhận sự yên bình khi ở cạnh người khác.
• Luôn ý thức về sự tập trung.
• Cảm nhận niềm vui từ những điều nhỏ nhất.
6. CÁC HOÁ CHẤT THẦN KINH CHÍNH TRONG NÃO BỘ CÓ TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC HOẠT ĐỘNG, CHỨC NĂNG CỦA TÂM TRÍ
Một trong các hoá chất này sẽ được sản sinh nhiều hơn khi thiền tập.
• Glutamate : kích thích các tế bào thần kinh tiếp nhận
• GABA: ức chế các tế bào thần kinh.
• Serotonin : điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và tiêu hoá
• Dopamine : liên quan đến sự chú ý và tìm kiếm phần thưởng trong từng hành vi.
• Norepinephrine : liên quan đến sự tỉnh táo và kích thích
• Acetycholine: thúc đẩy cảm giác thư thái, minh mẫn và sự hiểu biết.
• Opioids : giảm căng thẳng, giảm đau và gia tăng sự dễ chịu bao gồm cả endorphins.
Cùng nhiều các hoá chất thần kinh khác có đề cập trong sách.
Tác giả: Đức Nhân